Bên cạnh các bộ xử lý tín hiệu âm thanh kiểu “truyền thống” như equalizer, crossover,… thì hiện nay các nhà sản xuất thường cho ra mắt các bộ xử lý tín hiệu số hay còn gọi là DSP, với nhiều công dụng tiện lợi hơn và đặc biệt nhất là xử lý chính xác hơn rất nhiều. Bài viết sẽ chia sẻ với bạn tổng quan về các thiết bị xử lý tín hiệu số DSP này.
Hệ thống các thiết bị, bộ xử lý tín hiệu âm thanh là thành phần không thể thiếu trong một hệ thống âm thanh trình diễn chuyên nghiệp. Một số thiết bị trong nhóm này quen thuộc với người chơi audio như equalizer, crossover, limiter… ngoài ra còn có các bộ máy tạo hiệu ứng âm thanh: delay, echo, reverb… Công nghệ ngày càng phát triển mang đến những thiết bị ngày càng hiện đại và tiện dụng hơn. Nếu như trước đây bạn phải sử dụng các thiết bị xử lý tín hiệu analog, nghĩa là ví dụ muốn “cắt” các tần số nào đó, bạn sẽ phải dùng tay điều chỉnh trên cần tương ứng của equalizer, thì hiện nay bạn có thể làm điều này thông qua các bộ xử lý tín hiệu số DSP thông qua phần mềm trên máy tính, có thể lưu lại để sử dụng mỗi khi cần dễ dàng. Ngoài ra các thiết bị như crossover, limiter,… cũng được tích hợp trong bộ DSP này. Hãy cùng tìm hiểu tổng quan về thiết bị xử lý tín hiệu số DSP dưới đây.
1. Khái niệm thiết bị xử lý tín hiệu số DSP
Thiết bị xử lý tín hiệu âm thanh dạng số DSP (Digital signal processor) là các bộ xử lý tín hiệu âm thanh tích hợp nhiều tính năng, và bạn có thể điều chỉnh thông qua các phần mềm do nhà sản xuất cung cấp trên máy tính. Công dụng chính của thiết bị này thường bao gồm:
- Phân chia dải tần số cho loa sub và loa full (2 way, 3 way,…) Cân bằng âm sắc (chức năng equalizer) để loa phù hợp với từng không gian (trong nhà, ngoài trời…).
- Giới hạn âm thang, bảo vệ hệ thống loa của bạn.
- Đảo phase âm thanh nhằm giúp triệt tiêu hoặc cộng hưởng âm thanh.
- Làm trễ (canh delay) cho âm thanh của loa.
Ngoài ra tùy vào từng thiết bị của các nhà sản xuất khác nhau có thể đi kèm thêm một vài tính năng khác để đáp ứng cho mục đích riêng nào đó mà nhà sản xuất mong muốn, nhưng tựu chung lại thì các loại DSP (có một số người gọi là controller) sẽ có các tính năng kể trên. Và nói như mô tả của một số nhà sản xuất về sản phẩm DSP của họ đó là DSP như là GPS (hệ thống định vị) cho dàn âm thanh của bạn, luôn luôn cho bạn biết bạn (âm thanh của bạn) đang ở đâu (và ở mức nào). Nó sẽ giúp bạn cải thiện tối đa chất lượng âm thanh một cách nhanh và chính xác nhất.
2. Ứng dụng của các bộ xử lý tín hiệu âm thanh số DSP
Các bộ xử lý tín hiệu âm thanh số DSP có thể ứng dụng phù hợp cho hầu hết các dàn âm thanh trình diễn chuyên nghiệp, từ các bộ dàn trong nhà tại hội trường, nhà hàng tiệc cưới… cho đến các bộ dàn âm thanh cho thuê, chơi show, sự kiện chuyên nghiệp.
Nhiều người thắc mắc rằng tại sao họ lại phải trang bị thiết bị này cho dàn âm thanh của mình? Trong khi mức giá của một số bộ DSP là tương đối cao. Và họ cũng có thể trang bị rời từng thiết bị trong số các chức năng kể trên cho dàn âm thanh của mình như mua riêng equalizer, crossover, limiter…? Đây là một suy nghĩ không hề sai chút nào. Tuy nhiên đó không phải là lựa chọn tốt và tiện lợi nhất.
Việc mua lẻ từng thiết bị nghĩa là bạn sẽ phải tự tay canh chỉnh từng món như equalizer, crossover, limiter… mỗi khi sử dụng. Với những ai có kinh nghiệm và thường xuyên căn chỉnh, cảm nhận âm thanh tốt thì có thể “tạm ổn”, nhưng với những người không có được điều này, để tùy chỉnh tất cả các thiết bị kể trên mỗi khi đi làm âm thanh là một vấn đề không hề đơn giản. Đó là chưa kể mỗi khi thay đổi không gian, bạn sẽ lại phải “setup” lại để có chất âm thanh phù hợp.
Đặc biệt với các trường hợp đôi lúc sẽ có người sử dụng và tùy chỉnh dàn âm thanh của bạn, và họ cũng sẽ canh chỉnh sao cho phù hợp với tai nghe của mình, và khi đó bạn sẽ lại phải “làm lại từ đầu” các công việc canh chỉnh từng thiết bị xử lý tín hiệu. Ngoài ra việc sử dụng nhiều thiết bị trong bộ dàn cũng dẫn đến hệ thống dây dẫn thêm phức tạp, khó xử lý mỗi khi có trục trặc. Còn nếu bạn lo lắng về chi phí thì đôi khi các thiết bị xử lý kể trên nếu sắm rời từng cái đôi lúc chi phí còn ngang ngửa cao hơn so với việc đầu tư vào một bộ xử lý tín hiệu số.
Những trường hợp đáng ngại kể trên sẽ được giải quyết triệt để khi bạn sử dụng các bộ xử lý tín hiệu số, mang đến sự chính xác tuyệt đối khi tùy chỉnh trên máy tính, chỉ với một cú “click chuột” và có thể lưu lại các cấu hình đã được chỉnh sẵn, để có thể sử dụng cho từng trường hợp cụ thể như chơi trong nhà, ngoài trời khác nhau khi cần. Bạn cũng có thể tùy chỉnh trực tiếp trên thiết bị như các bộ xử lý tín hiệu analog trong trường hợp đơn giản, không cần đến máy tính.
Công nghệ hiện đại mang đến thêm cho chúng ta nhiều lựa chọn tiết lợi và hiệu quả hơn rất nhiều, nhưng tất nhiên còn phải phụ thuộc vào nhu cầu, khả năng và sở thích của mỗi người làm âm thanh để trang bị thiết bị phù hợp với bản thân.